Cõng phở bay xa
Không chỉ hãng bay trong nước mà nhiều hãng bay danh tiếng trên thế giới đã đưa món phở vào danh mục “đinh” trong thực đơn trên không.
Và phở Việt tiếp tục bay xa trên những tầng mây. Nhưng để có những tô phở nóng hổi trên độ cao 10.000m không phải chuyện dễ dàng.
Để món phở nóng có hương vị đặc trưng, bánh phở mềm, thịt mềm tươi… là sự kỳ công từ khâu sản xuất dưới mặt đất rồi vận chuyển lên máy bay đến phục vụ khách trên độ cao hơn 10.000m không phải chuyện đơn giản.
Thưởng thức phở trên mây
Chất lượng dịch vụ trên máy bay Việt Nam ngày càng được nâng cấp nhằm tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Trong đó, món nóng như phở, đặc biệt là phở bò, món ăn truyền thống và tiêu biểu cho ẩm thực Việt Nam, hiện được du khách quốc tế rất ưa chuộng.
Món phở nóng đang được Vietnam Airlines phục vụ trên các đường bay quốc tế từ Hà Nội hoặc TP.HCM đi Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Úc…
Ông Quách Thiên Tường, bếp trưởng Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không Việt Nam (VACS), công ty thành viên của Vietnam Airlines, cho biết không chỉ Vietnam Airlines mà nhiều hãng hàng không danh giá trên thế giới cũng thường đặt món phở để phục vụ khách bay.
Công ty có thể cung ứng nhiều loại thức ăn như bún mọc, bún bò Huế, bánh canh, hủ tiếu… nhưng món “đinh” vẫn là phở, gồm phở bò và phở gà.
Nấu và phục vụ phở ngon ở dưới mặt đất có thể không quá khó. Song để phở thơm ngon, đủ vị và đặc biệt là đủ nóng ở trên máy bay là rất khó.
Nước phở sau khi hoàn thiện được làm lạnh nhanh và bảo quản ở nhiệt độ 0-5oC. Trước khi máy bay cất cánh khoảng một giờ, nước phở mới được đun sôi rồi chia vào các phích giữ nóng chuyên dụng giúp giữ được độ nóng tới 90oC sau gần chục giờ bay.
Khi phục vụ khách, bánh phở và thịt bò chín cắt lát sẵn được tiếp viên hâm nóng lại trong lò ở nhiệt độ 150oC với thời gian khoảng 18 phút, sau đó mới chan nước dùng.
Trên các chuyến bay, không khí và áp suất chênh lệch nên khẩu vị của hành khách cũng có sự thay đổi nhất định nên gia vị tươi như rau mùi, hành lá, chanh, ớt… phục vụ trong cốc nhựa riêng, hành khách sẽ tự gia giảm vào tô phở của mình theo nhu cầu.
Là bếp trưởng phụ trách 28.000 suất ăn/ngày cho 28 hãng bay quốc tế, ông Thiên Tường bảo đây là bí quyết mà các đầu bếp phải kỳ công nghiên cứu, chỉnh đi chỉnh lại rất nhiều lần: “Khi ở trên cao, nước phở sẽ phải mặn hơn thì khi ăn hương vị mới đậm đà”.
Kỳ công chuẩn bị sang Nhật nấu phở
Vietnam Airlines cho biết hãng luôn tiên phong đưa ẩm thực Việt vươn tầm quốc tế.
Là nhà tài trợ vận chuyển chương trình Vietnam Phở Festival diễn ra vào ngày 7 và 8-10 ở Nhật, hãng mong muốn mỗi chuyến bay mang theo cả văn hóa ẩm thực của người Việt đến với bạn bè quốc tế qua hương vị phở.
Vietnam Airlines cũng sẽ luôn là cầu nối văn hóa quảng bá hương vị phở trên mỗi chuyến bay.
Ông Phạm Quang Duy, đầu bếp của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), cho biết đang chuẩn bị nguyên vật liệu “lên máy bay” sang Nhật.
Để nấu phở tại Nhật, vận chuyển đầy đủ nguyên liệu từ Việt Nam sang không khả thi nên các đầu bếp, doanh nghiệp tham gia phải chủ động liên hệ mua thêm một số nguyên liệu tại Nhật.
Theo ông Duy, bánh phở Sen từ Việt Nam sẽ cắt sẵn, bỏ hộp hút chân không sau đó thêm đá khô bảo quản. Ngoài phở Sen, ông Duy còn mang theo phở hạt kê, bắp nếp trắng, hạt kiều mạch Hà Giang… và cả bánh phở hương trà xanh.
“Chúng tôi muốn tạo ra các phong vị phở khác biệt, như điểm nhấn tại Vietnam Phở Festival. Bánh phở có màu trà xanh của Nhật là ví dụ. Mỗi năm sẽ tạo mới một chút cho phong phú, như minh chứng phở hội nhập lan tỏa nhiều nơi trên thế giới”, ông Duy nói.
Vietnam Phở Festival do báo Tuổi Trẻ, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TP.HCM đồng tổ chức, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và sự ủng hộ của những người bạn Nhật Bản như ông Aoyagi Yoichiro – hạ nghị sĩ, trưởng ban tổ chức Lễ hội Việt Nam – Nhật Bản, báo Mainichi (Nhật Bản) và các hội đoàn người Việt Nam tại Nhật Bản.
Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), Suntory Beverage & Food, Simply Food (Công ty thực phẩm Bình Tây), SASCO, Dai-ichi Life Việt Nam, Phở’S và một số doanh nghiệp khác.
CÔNG TRUNG