‘Biết tin Vietnam Phở Festival đến Nhật, tôi phải báo ngay với má nuôi’
Bát phở bà nấu đã nhen vào lòng anh Hiệp những tình cảm ấm áp ở một đất nước xa lạ và cùng anh đi qua bao năm tháng.
Bát phở ấm lòng của bà má người Nhật
Nhận học bổng du học năm 20 tuổi, Hoàng Minh Hiệp – cựu học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) – sang Nhật để khám phá thế giới. Thời sinh viên, khoảng những năm 2005, 2006, Hiệp có một “host mom” – người má đỡ đầu ở Nhật – tên là Kyoko, sống ở thành phố Ono, tỉnh Hyogo.
Bà Kyoko rất thích phở. Trong suy nghĩ của phần lớn người Nhật, phở là món ăn “quốc hồn quốc túy” của người Việt, lại là người mê bếp nên mỗi lần Hiệp đến nhà chơi, thể nào bà cũng nấu phở cho anh ăn. “Có lẽ, bà nghĩ nó xa nhà nên bà nấu phở cho nó ăn để nó vơi bớt nỗi niềm”, Hiệp nhớ lại.
à Kyoko mày mò công thức trên mạng rồi đi chợ ở khu phố Tàu mua quế, hồi, gừng, rau thơm, bánh phở bản to, xương gà về hầm… để nấu phở, chuẩn bị chiêu đãi đứa con người Việt.
Sáng dậy, bước xuống bếp, Hiệp đã thấy nồi nước lèo sôi sùng sục, thơm khắp nhà. Rổ hành, ngò… đã được rửa sạch, để bên cạnh.
Nước mắm, tỏi giấm, ớt thì khỏi nói. Bà Kyoko rất thích nước mắm chua ngọt kiểu Việt Nam nên bà ăn nước mắm đó cùng với tất cả các món Nhật thay vì nước sốt của người Nhật.
Ở Nhật, phở gà phổ biến hơn phở bò. Các nhà hàng Việt Nam nào ở đây cũng đều có món phở gà. “Gu” người Nhật thích vị thanh của thịt gà hơn thịt bò. (Tất nhiên cũng có những quán phở bò, có điều không nhiều bằng).
Mặc dù gà bên Nhật chủ yếu là gà công nghiệp, món phở gà cũng không giống vị phở gà trong ký ức nhưng mỗi khi ăn phở do bà má đỡ đầu nấu, Hiệp nhớ nhà khủng khiếp.
Món phở gà của bà má Nhật Bản cứ thế gieo vào lòng một người Việt những khoảnh khắc ấm áp không phai mờ. Biết tin Vietnam Phở Festival 2023 sẽ được tổ chức ở Kyoto trong vài ngày tới, chắc chắn tôi sẽ chia sẻ thông tin tới bà má của mình bên Nhật.
Hoàng Minh Hiệp
Để đến nhà bà, từ Kobe, Hiệp phải đi bus khoảng một tiếng đồng hồ. Về đây trong căn nhà ấm cúng, giữa đồng quê xanh ngát, sáng ra được ăn phở thật thích.
Hiệp nói, bà Kyoko giống như một người mẹ thứ hai của anh. Bát phở bà nấu đã nhen vào lòng anh những tình cảm ấm áp ở một đất nước xa lạ và cùng anh đi qua bao năm tháng.
Ra trường, Hoàng Minh Hiệp đi làm kỹ sư cho công ty Panasonic. Sau đó, anh quyết định về Việt Nam, trở thành phiên dịch viên tiếng Nhật.
Anh vẫn giữ liên lạc với bà má Kyoko đáng mến; mỗi lần có dịp sang Nhật, hai má con lại ngồi ăn phở Việt trong những ký ức chưa từng xa rời.
“Sao phở ở Pháp không có quẩy kiểu Việt Nam em ơi?”
Trong một lần về quê vợ ở Hà Nội, được dẫn đi ăn phở bò, chàng rể người Pháp Guillaume Astaud mê tít, ăn sạch cả bát.
Guillaume Astaud khoái ăn phở cùng với quẩy. Vì thế, mỗi lần đi ăn phở ở Pháp, không kiếm đâu ra quẩy kiểu Việt Nam, anh chàng lại thở dài vì không được ăn phở đúng cách.
“Sao phở ở đây không có quẩy kiểu Việt Nam em ơi”, Guillaume Astaud nhớ chiếc quẩy vỏ mỏng, giòn tan, ăn cùng phở mới thực hoàn hảo. Ở các nhà hàng Việt Nam bên Pháp, chỉ có loại quẩy ruột dày, hơi ngọt, ăn hơi chán.
Vợ chồng Đinh Thu Bình và Guillaume Astaud hiện sống ở Montfrin, gần thành phố Avignon. Bình kể, những thành phố nhỏ xung quanh chỗ gia đình chị không có hàng phở nào ngon. Vừa đắt vừa không ngon (khoảng 350.000 đồng/ bát).
Muốn ăn phở ngon, phải chạy xe 700km đến Paris. Ở đó có quận 13, nơi tập trung số lượng lớn người gốc Việt và có nhiều quán phở do người Việt mở. Buổi trưa mà đi qua, quán nào cũng đông nườm nượp, không có chỗ ngồi. Ngoài người Việt, người nước ngoài ăn phở cũng rất đông.
Cách đây khoảng một tuần, Bình cũng vừa đi ăn phở với bạn người Pháp tại quán phở Tài ở quận 13 (quán này được gắn sao Michelin – PV). Cô Martine Despouy, bạn Bình, đã sang Việt Nam rất nhiều lần và mê phở.
Ở Pháp, Martine Despouy thường đi ăn một quán phở quen hàng chục năm nay; nhưng họ mới đóng cửa, cô đang tiếc hùi hụi thì được Bình dẫn đi ăn ở quán phở Tài này.
“Ở nhà nấu ngon hơn, thơm hơn. Ở quán ăn cũng ngon nhưng vị khác. Nhưng ở một nơi xa xôi thế này, có thể đòi hỏi gì hơn”, Bình nói. Bình là “big fan” của phở bò Nam Định. Phở ở quán Tài mang phong vị phở Nam, tức có cả bò viên, vị hơi ngọt chút.
Nói chuyện một hồi, Bình lên cơn thèm phở. Đã lâu không nấu phở. Bình nói, thịt bò đợt này đang giảm giá. Chị phải ra chợ mua đồ về làm phở thôi, thèm quá rồi.
Vietnam Phở Festival 2023 do báo Tuổi Trẻ, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TP.HCM đồng tổ chức, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và sự ủng hộ của những người bạn Nhật Bản như ngài Aoyagi Yoichiro – hạ nghị sĩ, trưởng ban tổ chức Lễ hội Việt Nam – Nhật Bản, báo Mainichi (Nhật Bản) và các hội đoàn người Việt Nam tại Nhật Bản.
Vietnam Phở Festival 2023 có sự tham gia của các đầu bếp Hoa hồi vàng các năm như: Nguyễn Tiến Hải, Nguyễn Tự Tin, Phạm Quang Duy… cùng đầu bếp các quán phở danh tiếng: Phở Dậu, Phở Hai Thiền, Phở Hotel Majestic Saigon, Phở Phú Gia, Phở’S, Phở Sen SASCO, Phở Thìn Bờ Hồ, Phở nhà hàng sân golf Thủ Đức, Phở Ta – Bình Tây Food…
Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), Suntory Beverage & Food, Simply Food (Công ty thực phẩm Bình Tây), SASCO, Dai-ichi Life Việt Nam, Phở’S và một số doanh nghiệp khác.
Đương kim Hoa hậu Liên lục địa – Miss Intercontinental Lê Nguyễn Bảo Ngọc là đại sứ chính thức, đồng hành và hưởng ứng các hoạt động của chương trình.
ĐẬU DUNG